Theo đó, ngày 11/8/2016, Bộ Y tế đã nhận được thông tin của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cao Bằng, tại xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm có nhiều người mắc bệnh: ho rũ rượi, mắt đỏ, trong đó có một số trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lâm. Ngay khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã thành lập Đoàn công tác gồm đại diện Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp đến địa phương kiểm tra và hỗ trợ các hoạt động giám sát, điều tra và xử lý dịch bệnh.
Qua điều tra, từ ngày 22/7/2016- 11/8/2016, kết quả khám phân loại 168 trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp tại 3 xóm Cà Đổng, xóm Cà Mèng và xóm Cà Pẻn A thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm ghi nhận 49 bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng điển hình với bệnh Ho gà (Cà Đổng 34, Cà Mèng 11, Cà Pẻn A 4). Kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có 4 mẫu dương tính với ho gà trong tổng số 18 mẫu bệnh phẩm.
Đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, đồng thời chỉ đạo ngành y tế địa phương triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đã tổ chức lớp tập huấn về công tác phòng chống dịch, giám sát, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ho gà cho tất cả các nhân viên y tế thôn bản và y tế xã Đức Hạnh. Đoàn đã phối hợp với y tế địa phương hướng dẫn bệnh nhân cách ly, cấp phát thuốc và giám sát điều trị bệnh nhân tại nhà; điều trị dự phòng cho tổng số 352 người (những người cùng chung sống với người bệnh), theo dõi diễn biến tình trạng bệnh nhân hàng ngày.
Chỉ đạo địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức ngay đợt tiêm chủng vắc xin DPT phòng ho gà cho tất cả trẻ em lứa tuổi từ 24 tháng đến 48 tháng trên toàn địa bàn xã Đức Hạnh. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo dịch bệnh kịp thời theo quy định.
Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh ho gà. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây nên, bệnh lây qua đường hô hấp. Bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ em 1-6 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng. Biểu hiện của bệnh: sốt, ho dữ dội thành cơn kéo dài và có tiếng thở rít, chảy nước mắt, nước mũi, kèm theo nôn có đờm dãi trắng và rất dính.
Cũng theo Bộ Y tế, bệnh ho gà hiện vẫn lưu hành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bệnh ho gà được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Mặc dù dịch bệnh ho gà đã được khống chế nhưng đây không phải là bệnh chưa được thanh toán hoặc loại trừ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nên nguy cơ có thể có những ổ dịch nếu không làm tốt công tác phòng ngừa như duy trì tiêm vắc xin đạt tỷ lệ cao (đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ...), không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Để chủ động phòng chống bệnh Ho gà, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:1. Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.2. Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.3. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi.4. Ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.5. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.
Minh Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét