Giai đoạn trầm cảm cần kéo dài ít nhất hai tuần, trong đó phải có ít nhất là một trong hai triệu chứng chủ yếu khí sắc giảm hoặc mất hứng thú/sở thích cho hầu hết các hoạt động. Ở trẻ em và vị thành niên, khí sắc có thể bị kích thích hơn là buồn. Tương tự như vậy, bệnh nhân cần biểu hiện ít nhất 4 triệu chứng trong dãy triệu chứng bao gồm thay đổi cảm giác ngon miệng hoặc khối lượng cơ thể, giấc ngủ và hoạt động tâm thần vận động, giảm sút năng lượng, cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định, ý nghĩ tái diễn về cái chết hoặc ý nghĩ, kế hoạch và hành vi tự sát.
Khí sắc giảm
Khí sắc giảm (khí sắc trầm cảm) là nét mặt của bệnh nhân rất đơn điệu, luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều, thậm chí mất hết nếp nhăn. Tình trạng khí sắc giảm rất bền vững do bệnh nhân buồn, bi quan, mất hy vọng. Trẻ em và vị thành niên thường xuất hiện khí sắc kích thích hoặc thất thường, hiếm khi biểu hiện khí sắc buồn.
Mất hứng thú, sở thích trong cuộc sống là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Mất hứng thú hoặc sở thích cho hầu hết các hoạt động
Mất hứng thú hoặc sở thích gần như luôn biểu hiện trong một mức độ nhất định. Bệnh nhân cho rằng họ đã mất hết các sở thích vốn có (tôi không thích gì bây giờ cả). Tất cả các sở thích trước đây của bệnh nhân đều bị ảnh hưởng nặng nề, kể cả ham muốn tình dục.
Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân
Sự ngon miệng thường bị giảm sút, nhiều bệnh nhân có cảm giác rằng họ bị ép phải ăn. Họ ăn rất ít, thậm chí trong các trường hợp nặng bệnh nhân nhịn ăn hoàn toàn.
Mất ngủ nhưng cũng có thể bệnh nhân ngủ quá nhiều
Rối loạn giấc ngủ hay gặp nhất trong trầm cảm là mất ngủ (chiếm 95% số trường hợp). Bệnh nhân thường có mất ngủ giữa giấc (nghĩa là tỉnh ngủ vào lúc ban đêm và khó ngủ tiếp) hoặc mất ngủ cuối giấc (tỉnh ngủ quá sớm và không thể ngủ tiếp). Mất ngủ đầu giấc (khó bắt đầu giấc ngủ) cũng có thể xuất hiện. Mất ngủ là triệu chứng gây khó chịu rất nhiều cho bệnh nhân. Hiếm gặp hơn, có một số bệnh nhân biểu hiện ngủ nhiều, dưới hình thức một giai đoạn ngủ đêm dài hoặc tăng độ dài ngủ ban ngày.
Rối loạn hoạt động tâm thần vận động
Thay đổi tâm thần vận động bao gồm kích động (bệnh nhân luôn đi đi lại lại, không thể ngồi yên), vận động chậm chạp (ví dụ nói chậm, vận động cơ thể chậm), tăng khoảng nghỉ trước khi trả lời, giọng nói nhỏ, số lượng ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí câm. Kích động tâm thần vận động hoặc vận động tâm thần chậm cần đủ nặng để có thể được quan sát bởi những người xung quanh chứ không chỉ biểu hiện ở cảm giác của bệnh nhân.
Giảm sút năng lượng
Năng lượng giảm sút, kiệt sức và mệt mỏi là rất hay gặp. Một người có thể than phiền mệt mỏi mà không có một nguyên nhân cơ thể nào. Thậm chí chỉ với một công việc rất nhẹ nhàng họ cũng cần sự tập trung lớn. Hiệu quả công việc có thể bị giảm sút. Ví dụ, một người có thể than phiền rằng rửa mặt và mặc quần áo buổi sáng cũng làm họ kiệt sức và họ cần thời gian nhiều hơn bình thường hai lần.
Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi
Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi là rất hay gặp trong giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Bệnh nhân cho rằng mình là kẻ vô dụng, không làm nên trò trống gì. Họ luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc, trở thành gánh nặng cho gia đình, cơ quan và xã hội. Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi có thể mạnh lên thành hoang tưởng, khi đó niềm tin của bệnh nhân là sai lầm nhưng rất mãnh liệt (ví dụ: một bệnh nhân tin rằng anh ta là sự khốn cùng của thế giới). Bệnh nhân tự khiển trách mình vì không thể thành công, không đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp hoặc quan hệ với mọi người, không hoàn thành nghĩa vụ trong gia đình. Chính cảm giác vô dụng và tội lỗi của bệnh nhân khiến bệnh nhân muốn nhanh chóng kết thúc cuộc sống bằng cách tự sát và từ chối điều trị.
Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định
Đây là triệu chứng rất hay gặp khiến bệnh nhân rất khó chịu và phải đi khám bệnh. Nhiều bệnh nhân than phiền khó suy nghĩ, khó tập trung chú ý vào một việc gì đó. Bệnh nhân cũng rất khó khăn khi cần đưa ra quyết định, họ thường phải cân nhắc rất nhiều thời gian với những việc thông thường (ví dụ: một người nội trợ đã không thể quyết định mua rau cải hay rau muống). Khó tập trung chú ý của bệnh nhân thể hiện ở những việc đơn giản như không thể đọc xong một bài báo ngắn, không thể nghe hết một bài hát mà bệnh nhân vốn yêu thích, không thể xem hết một chương trình tivi mà bệnh nhân trước đây vẫn quan tâm.
Ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát
Hầu hết bệnh nhân trầm cảm chủ yếu đều có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn thì họ có thể có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát. Lúc đầu họ nghĩ rằng bệnh nặng thế này (mất ngủ, chán ăn, sút cân, mệt mỏi...) thì chết mất. Dần dần, bệnh nhân cho rằng bệnh nhân chết đi cho đỡ đau khổ. Các ý nghĩ này biến thành niềm tin rằng những người trong gia đình, cơ quan... có thể sẽ khá hơn nếu bệnh nhân chết. Từ ý nghĩ tự sát, bệnh nhân sẽ có hành vi tự sát.
PGS.TS. Bùi Quang Huy
((Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, BV Quân y 103))
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét